Thông kê truy cập
AN NINH - QUỐC PHÒNG
QPTĐ - Suốt 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (19/10/1946 - 19/10/2021), có thể khẳng định lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sỹ LLVT Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội luôn kế tục và phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường, đoàn kết, sáng tạo chống giặc ngoại xâm của dân tộc, của Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội, lập nên nhiều chiến công và viết nên những trang sử hào hùng trong các cuộc chiến tranh giành độc lập, giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.
Trước và trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các đội tiền thân của LLVT Thủ đô, điển hình là: Đội Danh dự Việt Minh, Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu, Đội Tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu… lần lượt ra đời, xung kích, nòng cốt cho các tầng lớp nhân dân Hà Nội đẩy mạnh đấu tranh vũ trang, chủ động, tích cực chuẩn bị mọi điều kiện, khi thời cơ đến vùng dậy khởi nghĩa, giành chính quyền ở Hà Nội, góp phần quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, phong kiến ngự trị mấy nghìn năm, giành độc lập, tự do cho dân tộc, quyền làm chủ cho nhân dân Việt Nam.
Thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, chúng dùng vũ lực đánh chiếm Hà Nội; tự vệ thành Hà Nội thể hiện tinh thần kiên trung, bất khuất, sẵn sàng hi sinh, thề quyết bảo vệ Chính phủ và Hồ Chủ tịch, với lời thề “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, LLVT Thủ đô đã giam chân địch để Chính phủ rút lên Chiến khu Việt Bắc an toàn. LLVT Thủ đô Hà Nội gắn liền với các trận chiến oai hùng trong phố cổ, Pháo đài Láng, Liên khu I. Lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung, quân và dân Thủ đô nói riêng mãi khắc ghi cuộc chiến đấu 60 ngày đêm, làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, vượt chỉ tiêu Trung ương giao, bảo vệ tuyệt đối an toàn cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện cho cả nước có thời gian thực hiện công cuộc kháng chiến lâu dài.
Cụ thể, để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, toàn dân, toàn diện, ngày 19/10/1946, Chiến khu XI-Tổ chức hành chính quân sự thống nhất của các LLVT Thủ đô Hà Nội được thành lập. Chiến khu XI đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương. Ngày 25/7/1947, trước yêu cầu của cuộc kháng chiến, Trung ương ra quyết định địa bàn hoạt động của Chiến khu XI được mở rộng bao gồm: Hà Nội, Hà Đông và Sơn Tây.
Chiến khu XI, có nhiệm vụ rất nặng nề: Vừa chiến đấu giỏi, tiêu diệt nhiều địch, bảo toàn lực lượng ta, kìm giữ giam chân địch càng lâu càng tốt trong Thành phố - tí nhất là một tháng - để Chính phủ có thời gian tổ chức và huy động lực lượng toàn dân đi vào cuộc kháng chiến; vừa phải bảo toàn các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước rút ra ngoài an toàn; di chuyển máy móc, tài sản, vật tư cần thiết cho công cuộc kháng chiến ra ngoài Thành phố đưa lên Chiến khu Việt Bắc…Song Bộ Chỉ huy Chiến khu XI đã phát huy vai trò chỉ đạo, chỉ huy trong chiến tranh; xây dựng kế hoạch tác chiến hợp lý, bố trí lực lượng chiến đấu thích hợp, xử trí các tình huống ở cấp chiến dịch đúng đắn, có nhiều cố gắng đảm bảo cung cấp vũ khí, trang bị giúp cho các liên khu và các đơn vị chiến đấu thắng lợi.
Bước vào hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, LLVT Thủ đô đã nêu gương sáng anh dũng, ngoan cường, mưu trí, sáng tạo, cùng với quân nhân và dân cả nước lập nên những chiến công vang dội. Bộ đội và tự vệ Thủ đô sát cánh bên nhau “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”, “tay búa, tay súng”, nhân dân Thủ đô “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Hà Nội lại sáng chói, nổi bật từ các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang” và đỉnh cao nghệ thuật chiến tranh nhân dân là tổ chức lực lượng phòng không ba thứ quân phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng không quân giăng lưới lửa “thiên la địa võng”, vít cổ “Thần sấm”, “Con ma”, B-52 của giặc Mỹ, lập nên kỳ tích “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam; thừa thắng làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 - Non sông thu về một mối.
Thời kỳ cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt nam xã hội Chủ nghĩa, LLVT Thủ đô luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, vượt mọi khó khăn, vừa tăng cường chi viện cho các mặt trận bảo vệ biên giới, làm nhiệm vụ quốc tế, vừa là lực lượng nòng cốt góp phần cùng các tầng lớp nhân dân Thủ đô làm thất bại âm mưu thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc thành quả của cách mạng, bảo vệ, kiến thiết Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.
Trong quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ LLVT Thủ đô Hà Nội lập nên những chiến công oanh liệt, viết nên những trang sử hào hùng, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Sự hy sinh, cống hiến cùng những chiến công của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã hun đúc nên giá trị tiêu biểu, đặc sắc những lời Bác Hồ từng khen: “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Có thể thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự thương yêu đùm bọc giúp đỡ của nhân dân, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sỹ LLVT Thủ đô không ngại gian khổ, hy sinh, ra sức phấn đấu xây dựng và vun đắp nên truyền thống Anh hùng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cấp trên giao. LLVT Thủ đô Hà Nội vinh dự được Đảng, Nhà nước 3 lần tuyên dương Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân, tặng 1 Huân chương Sao vàng, 3 Huân chương Hồ Chí Minh, 5 Huân Chương Quân công (hạng Nhất, Nhì, Ba), 4 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, 2 Huân chương Ít-xa-la do Nhà nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tặng…
Với những thành tích tiêu biểu trong xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, ngày 31/5/2010, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có Quyết định số 1850/QĐ-QP, lấy ngày 19/10/1946 là ngày Truyền thống của LLVT Thủ đô.
Cát Tường - Quốc phòng Thủ đô
Link bài viết gốc: http://quocphongthudo.vn/van-hoa/tin-tuc/75-nam-ngay-truyen-thong-llvt-thu-do.html